Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại TP.HCM: Thiếu, không đồng bộ và xuống cấp

VHO- Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Sở VHTT TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) tại TP.HCM.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại TP.HCM: Thiếu, không đồng bộ và xuống cấp - Anh 1

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B Ảnh: ĐBND

Trước đó, đoàn cũng đã có buổi làm việc, khảo sát thực tế tại một số đơn vị cơ sở như Trung tâm Văn hóa TP.HCM, Trung tâm TDTT quận 7, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Bình Chánh, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP, Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B, các nhà văn hóa lao động, nhà thiếu nhi,…

Phần lớn đã xuống cấp, chưa đáp ứng được các điều kiện

Báo cáo của Sở VHTT TP.HCM cho biết, TP hiện có 165 thiết chế VHTT phục vụ cộng đồng; 27 thiết chế VHTT phục vụ thanh thiếu niên, thiếu nhi, nhi đồng; 69 thiết chế VHTT phục vụ CNVC-NLĐ; 38 thiết chế văn hóa được xây dựng và quản lý trong khuôn viên của quân đội…

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhấn mạnh, hệ thống thiết chế VHTT của TP.HCM trong những năm qua được khai thác, sử dụng đúng mục đích. Đây cũng là nơi phát huy tiềm năng, sức mạnh nội sinh của VHTT, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu giải trí. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, các thiết chế VHTT còn là công trình dự phòng phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh… Sự phát triển các thiết chế VHTT trên địa bàn có quy mô từ nhỏ đến lớn, từ đơn năng đến đa năng, đáp ứng đa dạng các nhu cầu giải trí, mục tiêu nhiệm vụ chính trị; đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế VHTT cho thấy, việc quy hoạch quỹ đất dành cho hệ thống thiết chế VHTT còn hạn chế. Phần lớn các thiết chế đã xuống cấp, chưa đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện theo quy định. Hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT cơ sở với mức ngân sách cơ bản hằng năm chỉ đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên, rất khó để có sự đổi mới về nội dung, hình thức. Đối với TDTT, cơ sở vật chất dành cho lĩnh vực này của TP so với các thành phố thuộc Trung ương, nhất là Hà Nội, là rất thấp. Số công trình thi đấu TDTT đạt chuẩn của TP so với Hà Nội chỉ đạt 1/6. Nếu tính số dân của TP.HCM so với tổng diện tích đất hiện đang tổ chức hoạt động thể dục, thể thao là 0,64m2/người dân.

Ngoài ra, nhân sự tại các thiết chế VHTT, nhất là tại các phường, xã, thị trấn chủ yếu do công chức, viên chức và thành viên các đoàn thể phụ trách, đa số kiêm nhiệm hoặc hợp đồng, chỉ được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ và bồi dưỡng chuyên môn theo hệ thống ngành VHTT, thiếu cán bộ có nghiệp vụ chuyên sâu và kinh nghiệm công tác lâu năm. Mức chi hỗ trợ và phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ, nhân viên phụ trách chưa có quy định cụ thể, rất khó trong việc thu hút người có trình độ, chuyên môn cao.

Chưa đủ chuẩn để tổ chức các sự kiện mang tính quốc tế

Đánh giá cao những kết quả Sở VHTT TP.HCM đạt được trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế VHTT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, qua thực tế đi khảo sát và làm việc với nhiều đơn vị trên địa bàn, nhận thấy hệ thống thiết chế VHTT tại TP.HCM có ưu điểm là có sự đa dạng, nhiều loại hình.

Không chỉ có thiết chế của ngành VHTT mà còn một số lượng lớn thiết chế của các Bộ, ngành khác. Hệ thống cơ sở vật chất này tạo điều kiện cho người dân rèn luyện, hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Ông Lượng cũng đánh giá cao hệ thống thiết chế của Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, mặc dù chưa thể đáp ứng được so với nhu cầu, nhưng số lượng có được so với quy định chung là đáng kể, đặc biệt là cấp quận, huyện. Về tổ chức hoạt động, các ý kiến ghi nhận, mặc dù chưa đáp ứng yêu cầu nhưng đã có nhiều đổi mới, khắc phục những khó khăn trong tổ chức, thực hiện được nhiệm vụ chính trị, xây dựng và triển khai những sản phẩm dịch vụ văn hóa hướng đến nhiều đối tượng, phục vụ cho đại đa số người dân.

Đoàn khảo sát nhận định, TP.HCM đã rất nỗ lực trong việc triển khai các thiết chế VHTT, trong đó có những lĩnh vực đạt kết quả rất tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên qua khảo sát cũng đặt ra một số vấn đề. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương: “Tôi đi khảo sát một số nơi thì thấy thiết chế VHTT ở đây vừa thiếu, không đồng bộ, xuống cấp. Một số nơi có tình trạng lãng phí, đóng cửa không hoạt động dù những nơi đó có trụ sở là khu đất vàng. Điều này cho thấy rằng tiềm năng về VHTT của TP.HCM rất lớn nhưng chưa phát huy được”. Để các thiết chế VHTT hoạt động hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng đề nghị Sở VHTT cần có đánh giá, nhận định thêm về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, cũng như công tác đầu tư, phối hợp để triển khai các nhiệm vụ phát triển VHTT trên địa bàn so với các Nghị quyết đã ban hành về VHTT trước đây.

Qua đó soi chiếu lại đã tương xứng, đáp ứng yêu cầu, đã hướng đến từng địa bàn, từng đối tượng, và đã đạt được tiêu chí, số lượng theo quy định chưa? Đã có sự quan tâm đúng mức về lĩnh vực VHTT, thực hiện ưu tiên bố trí ngân sách, nhân lực cho VHTT chưa? Trên cơ sở đó, làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, từ đó tổng kết kinh nghiệm, có kiến nghị, đề xuất để tổ chức được các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao quy mô, tầm cỡ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển VHTT của một xã hội hiện đại. “Bộ VHTTDL thỉnh thoảng có nhắc đến việc tổ chức một số sự kiện lớn, sự kiện quốc tế tại TP.HCM… Thời gian qua TP.HCM đã có tổ chức những sự kiện gì lớn? Rõ ràng là chưa, vì thiếu cơ sở vật chất. Với vai trò của mình, Sở VHTT cũng như các Sở, ngành liên quan cần tích cực hơn nữa trong việc đề xuất để TP.HCM có sự quan tâm đầu tư hơn nữa cho VHTT”, ông Lượng đề nghị.

Cũng theo ông Lượng, nghiên cứu thấy rằng TP.HCM là một trong nhiều tỉnh, thành cả nước chưa có quy hoạch về thiết chế văn hóa, trong khi hiện nay cả nước có được 46 tỉnh, thành ban hành quy hoạch về thiết chế văn hóa. “Được biết, hầu hết các công trình VHTT tại TP.HCM được xây dựng trước 1975, sau này bàn giao cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa cải tạo lại để sử dụng. Như vậy, rõ ràng nếu sử dụng lại những cơ sở ấy chắc chắn là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của lĩnh vực văn hóa… Sự bố trí không đồng bộ, không phù hợp dẫn đến hoạt động không thể mang lại hiệu quả được”, ông Lượng nêu. 

 Được biết, hầu hết các công trình VHTT tại TP.HCM được xây dựng trước 1975, sau này bàn giao cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa cải tạo lại để sử dụng. Như vậy, rõ ràng nếu sử dụng lại những cơ sở ấy chắc chắn là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của lĩnh vực văn hóa… Sự bố trí không đồng bộ, không phù hợp dẫn đến hoạt động không thể mang lại hiệu quả được.

(Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục PHAN VIẾT LƯỢNG)

Bám sát Nghị quyết 98 để phát triển VHTT

Theo đoàn khảo sát, TP.HCM nên tập trung vào việc tháo gỡ cơ chế, bám sát những quy định trong Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội ban hành. Sở VHTT TP.HCM cần thể hiện vai trò tham mưu trong việc tháo gỡ cơ chế đó, cần tận dụng ưu thế, rà soát và đề xuất giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư yếu tố con người; củng cố và phát triển đơn vị sự nghiệp công lập trong tình hình mới.

“Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 98/2023/ QH15 về thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, do đó tôi cho rằng ngành VHTT TP cần bám chắc Nghị quyết này. Quốc hội đã cởi mở thế rồi, bây giờ TP.HCM cần có đề xuất cho phù hợp, vì với Nghị quyết mới này sẽ tạo điều kiện cho TP phát triển đột phá hơn”, ông Đặng Xuân Phương nhấn mạnh.

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc